Kiến Thức Nông Nghiệp

Nấm Trichoderma có tác dụng gì? Vì sao cần nuôi cấy nấm Trichoderma?

06/08/2023 Agmin.vn 0 Nhận xét

Nấm Trichoderma được sử dụng rất phổ biến trong canh tác, nhất là canh tác nông nghiệp bền vững. Đây là loài nấm đối kháng có lợi cho cây trồng, vừa giúp ngăn chặn và tiêu diệt hiệu quả tuyến trùng, nấm bệnh gây hại vàng lá thối rễ vừa cung cấp dinh dưỡng cho cây. Sau đây, bà con hãy cùng Agmin tìm hiểu rõ hơn về tác dụng, đặc tính sinh trưởng và cách sử dụng nấm Trichoderma.

1. Nấm Trichoderma là gì?

Trichoderma là một loại nấm đối kháng sống trong vùng rễ của cây trồng, có khả năng kiểm soát và tiêu diệt nhiều loại nấm bệnh trong đất như: PhytophthoraPythium, RhizoctoniaFusarium và đồng thời phân hủy tàn dư thực vật để tạo ra các chất dinh dưỡng khả dụng cho cây trồng. Nấm Trichoderma tồn tại sẵn trong đất hoặc được bán dưới dạng chế phẩm vi sinh để chúng ta mua về nuôi cấy.

nam trichoderma la gi

Ảnh phóng to của sợi nấm Trichoderma.

Nhiều người thường nhầm lẫn giữa Trichoderma và Mycorrhizae bởi vì Mycorrhizae cũng là một loại nấm có tác dụng bảo vệ rễ khỏi mầm bệnh và cung cấp dinh dưỡng cho rễ. Tuy nhiên, Mycorrhizae không mang đặc tính ký sinh giống như Trichoderma.

2. Nấm Trichoderma có mấy loại?

Nấm Trichoderma được xác định có tới 33 loài. Trong đó, Trichoderma atroviride, Trichoderma viride, Trichoderma koningii và Trichoderma harzianum là 4 loài được công nhận là có khả năng ức chế và tiêu diệt nấm bệnh, diệt tuyến trùng rất mạnh.

3. Nấm Trichoderma có tác dụng gì?

Nấm Trichoderma sản xuất ra 2 loại enzyme chính là Cellulase và Chitinase. Cụ thể:

  1. Enzyme Cellulase có vai trò phân giải cellulose trong tàn dư thực vật thành các sản phẩm hữu cơ như cellobiose và glucose. Trong đó, glucose là một loại đường có thể được cây trồng hấp thụ trực tiếp và glucose có thể tổng hợp các chất dinh dưỡng để cây phát triển.
  2. Enzyme Chitinase có vai trò phân hủy chitin - một thành phần quan trọng của thành tế bào nấm và cấu trúc khung xương ngoài của côn trùng. Do đó, hoạt động của Enzyme Chitinase giúp ngăn chặn và tiêu diệt các loại nấm hại như Pythium, Fusarium và Rhizoctonia. Mặc dù Enzyme Chitinase tác động lên khung xương của côn trùng nhưng Trichoderma không được ứng dụng với mục đích diệt trừ sâu bọ.

Vậy Trichoderma điều tiết sản xuất 2 loại enzyme này như thế nào?

Điều này tùy thuộc vào nguồn thức ăn sẵn có và tình hình phát triển của nấm hại. Ví dụ, khi ủ phân bằng vỏ cây tươi, nấm Trichoderma ưu tiên sản xuất Enzyme Cellulase để phân giải tàn dư thực vật thành chất hữu cơ hơn là sản xuất Enzyme Chitinase để tấn công trực tiếp nấm Rhizoctonia solani. Tuy nhiên trong quá trình phân hủy vỏ cây, lượng cellulose sẵn có giảm dần đi, điều này kích thích Trichoderma sản xuất Enzyme Chitinase để đối kháng với Rhizoctonia solani. Như vậy, vào mùa xuân khi nhiệt độ xuống thấp và mầm bệnh hoạt động yếu, Trichoderma sẽ ăn cellulose sẵn có trong tàn dư thực vật. Cuối xuân, khi nguồn thức ăn cạn kiệt và số lượng mầm bệnh tăng lên, Trichoderma sẽ chuyển sang ký sinh mầm bệnh.

Nếu sử dụng Trichoderma với mục đích kiểm soát bệnh hơn là phòng ngừa thì tốt nhất nên điều trị nhiễm trùng sớm. Trichoderma không đem lại hiệu quả cao nếu tình trạng nhiễm trùng đã trở nên nghiêm trọng. Mặc dù Trichoderma không hoàn toàn là một giải pháp xuất sắc nhưng thực tế cho thấy chúng là cách xử lý bệnh hại an toàn và tiết kiệm hơn hẳn hóa chất.

Ngoài lĩnh vực nông nghiệp, nấm Trichoderma còn được ứng dụng rộng rãi trong ngành may mặc đồ jean. Cụ thể, Enzyme Cellulase có khả năng phân hủy cellulose – thành phần chính của cotton và các loại vải tự nhiên khác. Do đó, người ta dùng Enzyme Cellulase để xử lý vải denim, tạo nên những vết sờn màu trắng, xanh độc đáo và bắt mắt cho quần áo jean.

4. Nấm Trichoderma có gây độc hại cho người không?

Hầu hết các chủng nấm Trichoderma không độc đối với cây trồng, vật nuôi và con người. Chúng chỉ tác động đến các loại nấm hại gây bệnh với cây trồng.

nam trichoderma co doc khong

Trichoderma sống trong vùng rễ của cây trồng.

5. Nấm Trichoderma có tác hại nào không?

Mặc dù được biết đến là một biện pháp kiểm soát sinh học hiệu quả đối với mầm bệnh nhưng với các trang trại trồng nấm thương mại, Trichoderma lại là 1 loài nấm mốc xanh gây hại. Nguyên nhân là do Enzyme Chitinase tác động xấu đến sự sinh trưởng và phát triển của vườn nấm.

6. Tại sao cần nuôi cấy nấm Trichoderma vào đất?

Từ trước đến nay, quần thể nấm Trichoderma luôn tồn tại sẵn trong đất, tuy nhiên môi trường sống của chúng bị đe dọa bởi các yếu tố như: khai thác mỏ, xây dựng, quy hoạch đô thị; dư lượng thuốc trừ sâu, hóa chất và phân bón; ngập úng, lũ lụt, hạn hán, xói món. Vì vậy, chúng ta cần tiến hành nuôi cấy để duy trì mật độ nấm Trichoderma cần thiết cho đất trồng.

7. Nấm Trichoderma sống trong môi trường nào?

Mỗi chủng Trichoderma tồn tại trong một phạm vi nhiệt độ riêng, chẳng hạn như Trichoderma harzianum là từ 30 đến 37°C, Trichoderma koningii từ 32 đến 35°C. Nhìn chung thời điểm tốt nhất để cấy Trichoderma vào đất là khi nhiệt độ dưới 15°C. Trichoderma có vòng đời khoảng 28 ngày. Chúng sinh sản vô tính theo cấp số nhân nhưng sức sống của đời sau yếu hơn đời trước. Do đó, chúng ta phải định kỳ nuôi cấy để duy trì quần thể Trichoderma trong đất.

Nuôi cấy bao nhiêu Trichoderma là đủ? Trichoderma không độc hại đối với thực vật, vì vậy chúng ta không cần lo ngại xảy ra tác dụng phụ nếu cấy dư thừa Trichoderma.

Tóm lại, môi trường thuận lợi cho sự phát triển của Trichoderma bao gồm:

- Độ ẩm đất vừa phải (không ngập úng hay khô hạn).

- Nhiệt độ từ 15-32°C.

- Phạm vi pH đất từ 5,5 đến 8,5.

- Cấy vào buổi sáng hoặc buổi tối.

- Đất chứa hàm lượng chất hữu cơ (hoặc axit humic) cao.

- Nồng độ Clo thấp. Trichoderma nhạy cảm với nồng độ Clo cao. Do đó, đối với nước được dùng để nuôi cấy, chúng ta nên để nước ngoài trời qua đêm để khử bớt Clo.

8. Một số lưu ý trong việc sử dụng Trichoderma

Cây rễ trần: Có thể bổ sung nấm Trichoderma vào dung dịch hồ rễ - một loại dung dịch dùng để nhúng bộ rễ của cây con rễ trần trước khi trồng. Bên cạnh đó, Trichoderma tương thích với hầu hết các loại bột kích rễ và các loại gel siêu hấp thụ hơi ẩm phổ biến trên thị trường.

Mùn cưa: trên thực tế, rơm rạ, mùn cưa và các vật liệu thực vật dạng sợi khác đều là thức ăn của Trichoderma. Vì vậy, tránh bổ sung Trichoderma vào các loại giá thể có thành phần là mùn cưa.

Đất cát: Trichoderma khó sống lâu trong môi trường đất cát bởi vì hàm lượng chất hữu cơ thấp, không có đủ thức ăn cho chúng, các Enzyme Cellulase không thể hoạt động. Trong trường hợp này, mầm bệnh trở thành nguồn thức ăn duy nhất của Trichoderma. Tuy nhiên, đến lúc mầm bệnh biến mất thì Trichoderma lại quay về tình trạng “đói” ăn.

Gieo hạt: Hạt giống có thể tiếp xúc trực tiếp với Trichoderma. Hơn nữa, điều này còn có lợi trong việc sớm bảo vệ rễ non trước sự xâm nhiễm của các loài nấm gây bệnh thối rễ như Pythium và Phytophthora. Tuy nhiên, nếu phải sử dụng thuốc diệt nấm để xử lý hạt trước gieo thì chúng ta cần chắc chắn rằng loại thuốc đó tương thích với Trichoderma.

che pham nam trichoderma

Chế phẩm sinh học nấm Trichoderma.

9. Một số tiêu chí khi lựa chọn chế phẩm Trichoderma

Giữa vô vàn các loại chế phẩm Trichoderma khác nhau trên thị trường, chúng ta nên chọn mua sản phẩm nào? Dưới đây là một vài công dụng và thông số mà chúng ta cần quan tâm:

- Sản phẩm trình bày công thức và quy trình nuôi cấy rõ ràng và chi tiết.

- Ưu tiên 1 sản phẩm kết hợp nhiều chủng Trichoderma.

- Thành phần và khả năng tương thích.

- Thời hạn sử dụng.

- Phạm vi nhiệt độ mà Trichoderma có thể hoạt động. Nên ưu tiên phạm vi rộng.

- Sản phẩm phù hợp cho canh tác hữu cơ.

- Tham khảo đánh giá (review) về sản phẩm trên các hội nhóm nông nghiệp hoặc các sàn thương mại điện tử.

Nấm Trichoderma không chỉ tốt cho đất ngoài đồng mà canh tác nhà kính và thủy canh đều có thể sử dụng chúng. Agmin hy vọng rằng bài viết trên đã phần nào giải đáp các thắc mắc của bà con xoay quanh loài nấm đối kháng hữu ích này.

Biên tập bởi Agmin.vn

Bình luận

VIẾT BÌNH LUẬN CỦA BẠN:

popup

Số lượng:

Tổng tiền: